Single Content

Lịch sử nhang Bài cố đô

Trên bàn thờ tổ tiên mọi gia đình, cây nhang thắp đỏ càng thêm ấm cúng, vấn vương hương khói, là gạch nối giữa thần linh đất trời, giữa người đã khuất và trần tục.Trên nước ta, nhiều địa phương có nghề làm nhang. Ở TP. Hồ Chí Minh, sản xuất nhang chủ yếu tập trung tại khu Bà Hom và đường Hậu Giang (quận 6).Cọng nhang làm bằng tre, bột nhang làm bằng bột vỏ cây bồ lời và bột cám cưa. Màu vàng được tạo bằng bột cây huỳnh đàn và mùi hương được tạo từ bột cây trầm gió nên thường được gọi là hương trầm.

Ở miền Bắc, nghề làm nhang chính gốc phải kể đến vùng Dốc Lã, Hưng Yên vì đây là quê hương của bà tổ nghề nhang. Nguyên liệu nhang là tổng hợp của nhiều vị thuốc Bắc, thường từ 10 - 15 vị như: mộc hương, đại hoàng, địa liên, nhục đầu, bạch chỉ, trầm hương…

Tuy nhiên, giá trầm hương quá cao nên nhiều người thường lấy nhựa quả trám làm giả mùi trầm hương. Chính vì vậy mà giá cả có chênh lệch. Người làm nhang có thể vì lợi nhuận mà bớt đi vài vị thuốc, nhưng hương thơm cũng không khác mấy.

Muốn phân biệt trầm thật hay giả chỉ có cách đốt cây nhang chứ mắt thường không sao phân biệt được. Trầm giả có mùi thơm hắc, trong khi trầm thật có mùi thơm nhẹ nhàng quyến rũ. Chính vì vậy mà người pha chế hương thơm phải có nhiều kinh nghiệm. Mùi hương cũng có nhiều loại, từ hương thơm ngát, nồng nàn đến hương thơm ngọt dịu … Thậm chí, người ta còn dùng mùi hương để chữa các bệnh sổ mũi, đau đầu… vì trong thành phần của nó có vị thuốc. Sản phẩm nhang cũng có nhiều loại và được gọi bằng nhiều tên khác nhau, chẳng hạn như nhang vuốt, nhang vòng, nhang sào, nhang nén… Cây nhang dùng trong gia đình là loại nhang nhỏ, đường kính chừng bốn, năm ly và dài độ bốn, năm tấc. Cây nhang loại lớn do người Hoa sản xuất tại Chợ Lớn (TP. Hồ Chí Minh) có chiều dài từ 1 - 2 mét. Nhiều đình, chùa, nơi thờ tự thường dùng nhang khoanh có đường kính đến 1m, có thể cháy trong vòng 10 - 15 ngày mới tàn.

Cần nói thêm rằng, kỹ nghệ làm nhang ngày càng phát triển đã dẫn đến sự ra đời của cây nhang điện. Đó là cây nhang có bề ngoài trông cũng giống cây nhang thật, trên đỉnh có bóng đèn nhỏ gắn với dây dẫn điện nằm bên trong để cắm vào nguồn điện. Hễ bật công tắc thì bóng điện sáng từa tựa như cây nhang đang cháy (tất nhiên là không có mùi hương và cũng không tàn lụi). Sử dụng nhang điện không có ý nghĩa như cây nhang cổ truyền nên không ai dùng nhang điện vào việc cúng chạp, tế lễ.

Cây nhang có nguồn gốc từ Ả Rập, được các lái buôn Hy Lạp đưa sang bán tại các nước châu Á. Người dân châu Á mau chóng ưa thích cái hương thơm của nhang. Loại bột này lấy từ cây boswellia sacra mọc rất nhiều ở miền Nam bán đảo Ả Rập. Nhờ có đặc tính ấy nên nhang được đem dùng ở những nơi tôn nghiêm. Người Babylone có tục đốt nhang để làm an lòng các vị thần linh. Nghề buôn nhang thịnh hành ở Ả Rập vào đầu Công nguyên. Sau đó, nghề làm nhang phát triển mạnh ở châu Á cùng với sự phát triển của đạo Phật, có thể nói chính đạo Phật đã được truyền bá rộng rãi cùng với hương thơm huyền ảo của cây nhang. Ở xứ ta, trước cửa nhà nhà, lắm lúc thấy có xuất hiện các nam hoặc nữ phật tử, đã trọng tuổi đi bộ đem các loại nhang thơm đến mời mua. Đó là lòng thành, tâm phước. Tiền lời bán được từ cây nhang đem về Phật đường sử dụng vào mọi việc từ thiện.

Người Trung Hoa đốt nhang không những để thờ cúng mà còn để biết thời khắc trong đêm gọi là “đồng hồ nhang”, nhưng chỉ đốt mỗi đêm một khoanh nhang duy nhất. Tại các đền chùa họ đốt nhang thành từng ôm, khói xông nghi ngút lan tỏa mù mịt. Còn người Nhật Bản đốt mỗi đêm 12 cây nhang, mỗi cây có một mùi hương khác nhau. Nhu cầu đốt nhang ngày càng lớn ở các quốc gia theo đạo Phật và công việc làm nhang hầu như do phụ nữ đảm trách. Người Malaysia dùng nhang ít hơn các nước khác trong vùng, nhưng có loại nhang cao đến 5 - 6m, đường kính to bằng cây cột nhà, dùng để đốt dâng cúng thần “tài lộc”. Cây nhang của người Ấn Độ có hình dáng cầu kỳ, mùi thơm nhẹ nhàng, thanh thoát, dễ tập trung tư tưởng khi cầu nguyện.

Cây nhang từ lâu đã ngự trị ở mọi nơi thờ phụng, từ chùa chiền, đình miếu cho đến mọi gia đình, bất kỳ sướng khổ, sang hèn. Đối với người Việt nói riêng và người Á Đông nói chung, thắp một nén nhang mang ý nghĩa thiêng liêng và là nếp văn hóa trong cuộc sống hàng ngày.

Để lại bình luận

Liên hệ qua Zalo
hotline
035.315.9539
Sale

Không sẵn có

Hết hàng